3 Yếu tố ngoại vi thường bị... bỏ quên khi thiết kế nhà | Janhome
Những năm gần đây, thực tế kiến trúc đô thị đã phản ánh rõ nét lộ trình tái cơ cấu của khái niệm “nhà ở” tại Việt Nam. Cụ thể, định nghĩa này được mở rộng ra cả những yếu tố như giao thông liền kề, khả năng thông gió hay chiếu sáng tự nhiên, khả năng thoát hiểm, các tiện ích xung quanh hay thậm chí là thói quen sử dụng không gian cũng như độ riêng tư của từng khoảng diện tích…
Bài viết này sẽ chỉ ra 3 yếu tố ngoại vi quan trọng nhất nhưng thường bị người sử dụng “lãng quên”.
Thông thường, khi lựa chọn nơi ở để “an cư”, người mua/thuê nhà thường cân nhắc đầu tiên đến những vấn đề như diện tích sử dụng, cấu trúc vật lý, hệ thống ánh sáng hay dòng lưu khí trong căn hộ. Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình còn đặc biệt quan tâm đến các yếu tố phong thủy, tâm linh với mong muốn cầu tài lộc, mang vận khí tốt cho công việc và cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia và kiến trúc sư, chất lượng của nhà ở cần được đánh giá chuẩn xác dựa trên yếu tố “chất lượng sống” mà nó mang lại. Đó là những giá trị nằm ngoài ngôi nhà thay vì chỉ gồm những đặc tính vật lý được bao bọc bởi những cấu trúc vật lý.
Nên hay không chọn nhà ở gần đường giao thông?
Tại một số đô thị lớn trên cả nước, nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn nhà mặt phố để có thể sở hữu mặt bằng phục vụ cho các hoạt động kinh doanh. Từ tâm lý đó của người sử dụng, nhà mặt phố được xem là bất động sản có giá trị thanh khoản cao nhờ vị trí đẹp và thuận lợi cho giao thương. Tuy nhiên, đối với các gia đình không có nhu cầu kinh doanh dựa trên vị trí nhà ở, nhà mặt phố chưa bao giờ là một lựa chọn khôn ngoan.
Ảnh 1: Vị trí nhà ở là một trong những tiêu chí hàng đầu mà người sử dụng ở đô thị cần nhìn nhận một cách thực tế hơn
Tháng 10/2016, đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí của các quốc gia trên toàn cầu đã được tờ WorldBulletin đưa ra, với kết quả xếp thứ 2 thế giới dành cho Hà Nội. Nguyên nhân chính được cho rằng đến từ 5,5 triệu phương tiện lưu thông trên đường mỗi ngày. Cũng theo kết quả của nghiên cứu được đăng tải trên thời báo The Guardian, người dân sống ở các khu nhà mặt phố gần đường giao thông có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 12% so với thông thường, đặc biệt đối với những khu vực có mật độ giao thông lớn.
Thực tế này chỉ ra, sẽ có rất nhiều tác động xấu mà ô nhiễm tiếng ồn hay khí thải phương tiện có thể gây ra cho sức khoẻ của những người dân sinh sống trong khu vực nhà ở sát đường giao thông, đặc biệt là các hộ gia đình có trẻ nhỏ.
Đường điện cao thế vắt ngang hay “sát vách”
Thời báo sức khỏe Canada – BCMJ cho biết, trẻ em sống gần đường điện cao thế trong phạm vi từ 200m đến 600m có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn 23% so với thông thường. Trong phạm vi dưới 200m, tỉ lệ này gia tăng lên tới 69%. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã quy hoạch đường điện cao thế ngầm dưới lòng đất với nhiều lớp bảo vệ để hạn chế tối đa ảnh hưởng từ tính đến sức khỏe của người dân.
Ảnh 2: Vẫn còn rất nhiều hệ thống dây điện cao thế vắt ngang cửa sổ nhà dân ở những đô thị lớn tại Việt Nam
Bên cạnh đó, gia chủ còn phải đối mặt với các nguy cơ không an toàn về điện khi có các vấn đề về chập, cháy nổ hay khi xảy ra các yếu tố thời tiết xấu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tại Hà Nội, tình trạng dây điện cao thế hạ thấp đến cách mặt đất từ 1m đã dần được cải thiện dưới sự nỗ lực của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tại nhiều tuyến phố lớn, các đường điện, cáp thông tin đã được đi ngầm dưới lòng đất.
Tối ưu hoá khoảng xanh trong khu dân cư
Ở những quốc gia có nền kiến trúc phát triển, khi phân tích định giá loại hình nhà chung cư, các chuyên gia sẽ không tính những không gian thiếu chiếu sáng và thông gió tự nhiên vào diện tích của căn hộ. Và đương nhiên, những khoảng diện tích này sẽ không được tính vào trong giá bán do được coi là không đủ “chất lượng sống”. Nếu mang yêu cầu này vào thị trường bất động sản tại những thành phố lớn trong nước như Hà Nội hay Tp. HCM, chúng ta sẽ thấy rằng, ngay cả những khu căn hộ cao cấp đều chưa đáp ứng được. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng vẫn đang phải chi trả rất nhiều cho những “nhà ở” không đủ chất lượng.
Ngoài những khoảng chiếu sáng và lưu khí tự nhiên, yếu tố cây xanh trong các khu dân cư cũng bị bỏ qua khá nhiều. Người sử dụng thường quan tâm hơn tới yếu tố cây vườn trong khu vực nhà ở riêng của mình như những khoảnh đất nhỏ hay một góc ban công có thể tận dụng. Tuy nhiên, những khu vực sinh sống có hồ nước, khoảng cây xanh hay công viên bao quanh cũng là những yếu tố đáng lưu tâm khi lựa chọn nhà ở. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra những tác động tích cực đối với sức khỏe con người khi sinh sống trong những không gian có khoảng xanh được tối ưu hoá. Theo ý kiến của các chuyên gia được đăng tải trên BBC, những người sống ở khu vực “đô thị xanh” ít có biểu hiện trầm cảm hay lo âu hơn so với những cá nhân sống tại các khu vực khác.
Ảnh 3: Những khoảng xanh kì ảo của công viên dưới mặt đất Lowline Lab được xây dựng tích hợp trong khu chợ Manhattan (Mỹ)
Trên thực tế, lựa chọn một nơi “an cư” là vấn đề khiến nhiều “gia chủ”… đau đầu, đặc biệt là khi đứng trước hàng loạt các yếu tố nội tại và ngoại vi kể trên. Trong chuỗi bài tư vấn chuyên sâu tới đây, JANHOME sẽ giúp độc giả có thêm góc nhìn mới về ưu và nhược điểm của các loại hình nhà ở phổ biến tại Việt Nam cũng như những lời khuyên của các chuyên gia kiến trúc đối với nhu cầu xây nhà mới hay cải tạo nhà cũ với chi phí tiết kiệm.
(*) Bài viết tham khảo các ý kiến chuyên môn từ KTS. Lê Quang (http://www.lequang-architect.com)
(*) Nguồn tham khảo khác:
https://www.theguardian.com/society/2017/jan/04/living-near-heavy-traffic-increases-dementia-risk-say-scientists
http://www.bcmj.org/bc-centre-disease-control/living-near-power-lines-bad-our-health
http://www.bbc.com/news/science-environment-25682368
http://www.baomoi.com/tram-hang-trieu-met-day-cap-thua-tren-cot-dien-cot-chieu-sang/c/17114728.epi
http://www.worldbulletin.net/health-environment/178241/hanois-air-pollution-ranks-2nd-worst-in-world